Cách điều trị bệnh tiểu đường

Tác giả: Trần Bình
Ngày cập nhật: 04 tháng 4 2025
Chia sẻ

Bệnh tiểu đường là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được kiểm soát và điều trị tốt. Việc điều trị tiểu đường đòi hỏi sự kết hợp giữa chế độ ăn uống, luyện tập, dùng thuốc và theo dõi sát sao.

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.

Cơ thể chúng ta phân giải hầu hết thức ăn thành đường (glucose) và vận chuyển vào máu. Khi lượng đường trong máu tăng lên, nó sẽ báo hiệu đến tuyến tụy giải phóng insulin. Insulin là hormon có nhiệm vụ đưa đường trong máu vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng.

Ở bệnh nhân tiểu đường, cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách bình thường. Điều sẽ dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao và lâu dần có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, giảm thị lực và bệnh thận.

Bệnh được chia thành ba loại chính: Tiểu đường type 1, tiểu đường type 2, và tiểu đường thai kỳ. Các triệu chứng rất đa dạng và thường khó nhận biết trong giai đoạn đầu. Trong nhiều trường hợp thì khi bệnh tiến triển nặng thì mới xuất hiện triệu chứng.

Chẩn đoán bệnh tiểu đường

Chẩn đoán bệnh tiểu đường

Chẩn đoán bệnh tiểu đường

Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm máu sau đây để giúp chẩn đoán tiền đái tháo đường và bệnh tiểu đường:

  • Xét nghiệm A1C có thể cung cấp cho bác sĩ thông tin về lượng đường huyết trung bình của bạn trong vòng 3 tháng gần nhất.
  • Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói (FPG): đo lượng đường trong máu sau khi bạn nhịn ăn trong 8 giờ.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose giúp bác sĩ kiểm tra lượng đường trong máu của bạn hai giờ sau khi bạn uống đường.
  • Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên để kiểm tra đường huyết của bạn ở một thời điểm bất kỳ.

Đối với đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ mắc bệnh của bạn ở giai đoạn sớm và đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán:

  • Nếu bạn có nguy cơ cao: Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường ở lần khám thai đầu tiên.
  • Nếu bạn có nguy cơ trung bình: Bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra lượng đường huyết của bạn trong khoảng thời gian từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ.

Cách điều trị bệnh tiểu đường

Điều trị gồm kiểm soát đường máu để giảm biến chứng và phòng biến chứng với tối thiểu cơn hạ đường máu. Mục tiêu cho kiểm soát đường máu là:

  • Glucose máu trước ăn từ 80 đến 130 mg/dL (4,4 và 7,2 mmol/L).
  • Đỉnh glucose máu sau ăn (1-2 giờ sau bắt đầu bữa ăn) < 180 mg/dL (10 mmol/L).
  • HbA1C < 7%.

Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2

Những lưu ý chung khi điều trị bệnh đái tháo đường: điều chỉnh lối sống là nền tảng trong điều trị và giúp bệnh nhân ổn định lâu dài. Cụ thể:

Điều trị tiểu đường bằng thuốc

Thuốc không phải insulin (thường là viên uống)

  • Nhóm Metformin: làm giảm lượng glucose mà gan sản xuất, cải thiện cách hoạt động của insulin trong, làm chậm quá trình chuyển đổi carbohydrate thành đường. Tuy nhiên, thuốc không dùng cho bệnh nhân suy thận. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, chán ăn.
  • Nhóm Thiazolidinedione: hoạt động bằng cách giảm lượng glucose trong gan, giúp các tế bào mỡ sử dụng insulin tốt hơn. Thuốc có thể phối hợp chung với các thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, một vài loại trong nhóm này có thể gây phù, tăng cân đột ngột, suy giảm thị lực, ung thư bàng quang, suy tim…

Thuốc gây tăng tiết insulin

  • Nhóm Sulfonylureas: giúp kích thích tuyến tụy bài tiết insulin, ngăn gan giải phóng glucose, tăng tổng hợp glycogen; giúp hạ đường huyết nhanh nhưng lưu ý tránh bỏ bữa khi dùng thuốc để giảm nguy cơ hạ đường huyết.
  • Nhóm Meglitinides: hoạt động nhanh hơn sulfonylureas, giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn. Thuốc này được khuyến cáo dùng ngay trước bữa ăn, có thể dùng cho bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên, thuốc có giá thành cao và nguy cơ hạ đường huyết nếu không dùng đúng thời điểm.
  • Nhóm thuốc chủ vận thụ thể GLP-1: hoạt động giống như hormone tự nhiên (incretin), làm tăng sự phát triển của tế bào B và lượng insulin mà cơ thể sử dụng. Thuốc làm giảm sự thèm ăn, giảm lượng glucagon cơ thể sử dụng, làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm lượng đường trong máu.
  • Nhóm thuốc điều trị đái tháo đường ức chế men Dipeptidyl peptidase-4: thuốc giúp GLP-1 không bị phá hủy, qua đó kéo dài hoạt động của incretin, giúp giảm lượng đường trong máu.

Thuốc có tác dụng làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột

  • Nhóm thuốc ức chế men alpha – glucosidase: làm giảm lượng glucose trong máu bằng cách trì hoãn sự phân hủy carbohydrate và giảm sự hấp thụ glucose ở ruột non; ngăn chặn một số enzym để làm chậm quá trình tiêu hóa một số loại tinh bột. Nên dùng thuốc trước bữa ăn.
  • Nhóm thuốc ức chế SGLT2: giảm tái hấp thu glucose tại ống thận, giúp cơ thể loại bỏ glucose nên làm giảm đường huyết, kiểm soát tốt hơn huyết áp và cân nặng; làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, giảm nguy cơ suy thận và tử vong ở những người bệnh có biến chứng thận. Một số thuốc trong nhóm được chứng minh làm giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim.

Insulin

  • Insulin được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh đái tháo đường type 1 do tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin. Insulin cũng được sử dụng trong điều trị đái tháo đường type 2 khi cần.
  • Insulin được sử dụng dưới dạng tiêm và có nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào mức độ suy giảm của insulin, bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin phù hợp với từng ca bệnh. Các tùy chọn sử dụng insulin bao gồm: Insulin tác dụng nhanh, Insulin tác dụng kéo dài, Insulin trộn (cả nhanh và kéo dài), Insulin kết hợp GLP-1 – Soliqua (glargine-lixisenatide).

Thuốc Novomix 30 được dùng trong điều trị tiểu đường

Thuốc Novomix 30 được dùng trong điều trị tiểu đường

Ăn uống lành mạnh

Sử dụng nhóm ngũ cốc, các loại hạt, trái cây, rau củ… nhiều chất xơ để cung cấp vitamin, khoáng chất và ít carbohydrate cho cơ thể.

Nhóm trái cây tốt cho sức khỏe người bệnh tiểu đường như cà chua, ớt chuông…; các loại rau không chứa tinh bột như rau lá xanh, bông cải xanh, súp lơ trắng; các loại đậu như đậu gà, đậu lăng; ngũ cốc nguyên hạt như mì ống, bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt, gạo nguyên hạt, yến mạch nguyên hạt và hạt quinoa.

Bên cạnh đó, các loại rau quả giàu chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, giảm lượng đường trong máu; cản trở sự hấp thụ chất béo, cholesterol trong chế độ ăn uống. Chất xơ còn giúp ngăn các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến tim mạch như huyết áp, viêm nhiễm…; giảm cảm giác thèm ăn, mau no và lâu đói hơn.

Chế độ ăn uống cũng nên sử dụng loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa (gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa) giúp giảm cholesterol xấu trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nguồn chất béo tốt bao gồm: dầu ô liu, hướng dương, dầu hạt cải…; các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng, hạt lanh, hạt bí ngô; cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ…

Ngoài ra, người bệnh cũng nên chia nhỏ đĩa thức ăn. Trái cây và rau không chứa tinh bột nên chiếm một nửa, ngũ cốc nguyên hạt chiếm một phần tư và thực phẩm giàu protein (chẳng hạn các loại đậu, cá hoặc thịt nạc) chiếm một phần tư.

Người mắc bệnh đái tháo đường cũng không nên hút thuốc lá và hạn chế ở gần khu vực hút thuốc lá; uống rượu lượng vừa phải.

Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tốt cho việc trị bệnh đái tháo đường tại nhà mà còn mang đến nhiều lợi ích:

  • Giảm cân nặng
  • Giảm lượng đường trong máu
  • Tăng độ nhạy cảm với insulin
  • Giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường

Để có được tác dụng này, việc tập luyện nên diễn ra khoảng 30 phút mỗi ngày/ 150 phút mỗi tuần. Tăng dần mức độ tập từ trung bình đến cao. Các môn vận động như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc chạy; các bài tập kháng lực (ít nhất 2-3 lần mỗi tuần) như cử tạ, bài tập phối hợp… giúp tăng sức mạnh, khả năng giữ thăng bằng và duy trì cuộc sống năng động; rút ngắn thời gian không hoạt động (như ngồi máy tính) bằng cách đứng dậy, đi lại hoặc hoạt động nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút ngồi yên.

Theo dõi lượng đường trong máu

Người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ về thời gian và mức đường huyết mục tiêu cần đạt được. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt. Điều này giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến căn bệnh này.

Cấy ghép

Theo các nghiên cứu tại Anh và Mỹ, tế bào gốc lấy từ máu của dây rốn trẻ sơ sinh có thể giúp bệnh nhân tiểu đường type 1 khôi phục khả năng sản xuất insulin. Các nhà khoa học đã tách chiết một lượng lớn tế bào gốc để sản xuất ra hợp chất C-peptide. Đây là tiền protein của insulin, thay thế cho các tế bào beta tụy đã hư hại hoặc bị phá hủy. Theo đó, trên các đối tượng bệnh nhân này, lượng insulin trong máu sẽ được phục hồi, giúp cân bằng nồng độ glucose sau khi được cấy tế bào gốc. Nghiên cứu này được xem là bước đột phá quan trọng trong việc ứng dụng tế bào gốc và cũng mở ra hy vọng cho những bệnh nhân tiểu đường type 1 thay vì phải phụ thuộc insulin suốt đời.

Điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ

Điều trị tiểu đường thai kỳ cần kiểm soát lượng đường trong máu và duy trì ở mức an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi. Để làm được điều này, việc điều chỉnh lối sống rất quan trọng, bao gồm:

  • Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo giữ lượng đường trong máu ở giới hạn an toàn, nhưng vẫn cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
  • Tập thể dục, thực hiện các bài tập ở mức độ nhẹ đến trung bình trong 15 – 30 phút mỗi ngày. Hỏi bác sĩ sản khoa về những bài tập phù hợp.
  • Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên trước và sau bữa ăn 1-2g theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đối với mẹ bầu có tiền căn đái tháo đường trước đó, các thuốc viên hạ đường huyết chưa có bằng chứng an toàn cho thai nên tiêm insulin có thể được cân nhắc sử dụng.
  • Đối với mẹ bầu đái tháo đường thai kỳ không kiểm soát được đường huyết cũng nên cân nhắc sử dụng insulin sớm để đảm bảo thai kỳ phát triển an toàn.
  • Lập biểu đồ theo dõi sự phát triển của thai nhi, nhằm có hướng xử lý kịp thời khi có biến chứng xảy ra.

Điều trị tiền đái tháo đường

Điều trị tiền tiểu đường bao gồm điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc đặc trị.

  • Điều trị không dùng thuốc là sự kết hợp các yếu tố như dinh dưỡng, tập luyện và thay đổi lối sống… để duy trì lượng đường trong máu ổn định.
  • Điều trị thuốc, bao gồm thuốc giúp hạ đường huyết, Metformin (Glucophage, Fortamet) hoặc thuốc tương tự.

Tập luyên, thay đổi lối sống giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Tập luyên, thay đổi lối sống giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Mẹo hay giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Karela (mướp đắng)

Karela hay còn gọi là mướp đắng là một loại thực vật giàu insulin-polypeptide-P, có khả năng làm giảm chứng tăng đường huyết. Mướp đắng cũng chứa hai hợp chất rất cần thiết được gọi là charatin và momordicin, là những hợp chất chính giúp giảm lượng đường trong máu của người bệnh.

Dùng lá xoài tươi

Lá xoài tươi là một biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả để kiểm soát và điều trị bệnh tiểu đường.

Cách sử dụng: Rửa sạch và phơi khô lá xoài mềm sau đó nghiền thành bột. Uống bột này với nước vào buổi sáng và tối hàng ngày. Đun sôi một ít lá xoài tươi trong một cốc nước và để nguội qua đêm. Uống nước vào buổi sáng khi bụng đói.

Dùng quả gai

Quả lý gai là một trong những nguồn thực phẩm giàu vitamin C nhất và giúp cho tuyến tụy của bạn sản xuất tối ưu insulin để lượng đường trong máu của bạn được cân bằng.

Cách sử dụng: Bỏ hạt và xay 2-3 quả lý gai thành bột nhão mịn và vắt lấy nước cốt. Trộn nước trái cây này (khoảng 2 muỗng canh) trong cốc nước và uống vào mỗi buổi sáng khi bụng đói. Trộn một cốc nước ép mướp đắng với 1 muỗng canh nước ép quả lý gai và uống nó hàng ngày.

Dùng lá chùm ngây

Lá chùm ngây được biết đến nhiều nhất nhờ khả năng duy trì lượng đường cân bằng trong máu và tăng cường năng lượng cho người bệnh. Lá chùm ngây chứa các chất dinh dưỡng làm tuyến tụy tăng tiết insulin. Bên cạnh đó, lá cũng rất giàu các chất chống oxy hóa, có đặc tính chống viêm.

Cách sử dụng: Sử dụng một lượng bao gồm 50 gram lá chùm ngây tươi vào bữa ăn. Nó sẽ không chỉ thêm hương vị mà còn làm giảm khoảng 21% lượng đường trong máu. Hoặc chế biến chúng như một món salad hoặc hấp chúng như là cải bó xôi.

Dùng cỏ cà ri

Cỏ cà ri là một loại thảo mộc thường được sử dụng trong nhà bếp Ấn Độ với rất nhiều lợi ích. Nó giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, cải thiện khả năng dung nạp glucose, giảm lượng đường trong máu và kích thích tiết Insulin.

Cách sử dụng: Ngâm 2 muỗng canh hạt cỏ cà ri trong nước qua đêm và uống nước đó vào buổi sáng khi bụng đói. Tiêu thụ bột hạt cỏ cà ri với nước hoặc sữa hàng ngày.

Thảo dược giúp ngăn biến chứng tiểu đường

Một số loại thảo dược đã được chứng minh là vừa có tác dụng ổn định đường huyết vừa ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường. Bệnh nhân có thể kết hợp với các thuốc Tây y theo chỉ định của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị. Đồng thời phối hợp các loại thảo dược sau để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh:

Trái nhàu

  • Các nhà khoa học tại Pháp đã phát hiện ra rằng, nhàu có hoạt tính chống viêm nên có khả năng bảo vệ mạch máu khỏi các tổn thương do bệnh tiểu đường gây ra. Đặc biệt, bệnh nhân uống dung dịch nước ép trái nhàu sẽ có mức đường huyết ổn định do tăng nhạy cảm Insulin và thúc đẩy sản xuất Insulin ở tụy;

Mạch môn

  • Giúp ngăn ngừa biến chứng tim và thận. Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Y học cổ truyền Thượng Hải, Mạch môn là thảo dược có khả năng giúp bệnh nhân tiểu đường phục hồi chức năng tuyến tụy, giảm đề kháng insulin nên giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Ngoài ra, mạch môn còn làm giảm đáng kể nồng độ triglyceride và cholesterol xấu trong máu, do đó ngăn ngừa các biến chứng tim mạch do tiểu đường gây ra. Bên cạnh đó, mạch môn là loại thảo dược được chứng minh có thể làm giảm tốc độ xơ hóa thận ở bệnh nhân tiểu đường, do đó có khả năng ngăn ngừa các biến chứng của thận;

Câu kỷ tử

  • Giúp ngăn ngừa biến chứng võng mạc và thần kinh. Một số nghiên cứu của trường Đại học Bắc Kinh cho thấy, thành phần cây kỷ tử có chứa các hoạt chất nhóm phenolic và flavonoid. Đây là những chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng làm giảm stress, qua đó giúp giảm đường huyết. Không những vậy, cây kỷ tử còn có khả năng giúp ức chế α-Glucosidase, từ đó hỗ trợ kiểm soát đường huyết sau ăn và kháng reductase aldose (loại enzyme có tác dụng chuyển glucose thành sorbitol);

Hoài sơn

  • Giúp ngăn ngừa biến chứng thần kinh ngoại biên. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), hoài sơn hay củ mài có khả năng giúp làm giảm đường huyết ở người bị bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu khác thực hiện tại trường Đại học Y dược Huế cũng cho kết quả, hoài sơn khi nấu chín sẽ có tác dụng làm chậm hấp thu đường và giúp làm giảm đường huyết sau ăn nhờ khả năng kháng lại enzyme amylase (có nhiệm vụ thủy phân tinh bột thành đường).

Y học cổ truyền có nhiều vị thuốc có thể giúp người bệnh tiểu đường, nếu sử dụng hợp lý và đúng cách thì còn có thể giúp người bệnh giảm bớt việc phải dùng thuốc tây hoặc chỉ cần sử dụng liều thấp nhất. Ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường như suy thận, đột quỵ, xơ vữa động mạch..

Bệnh tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần. Cho dù vừa được chẩn đoán hay sống chung với bệnh tiểu trong một thời gian dài, nhiều người bệnh có thể trải qua những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, chán nản, kiệt sức… Lúc này cần nắm một liệu pháp tinh thần cho người bệnh.

Người bệnh và thân nhân người bệnh hãy thường xuyên nói chuyện và chia sẻ cùng nhau. Thông qua nói chuyện và những lời động viên, người bệnh có thể ổn định tinh thần và duy trì mức đường huyết ổn định. Vì căng thẳng được xem là một trong những nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao.

Đánh giá bài viết
Bình luận của bạn
Đánh giá của bạn:
*
*
*
 Captcha

Số lần xem: 77

Nhà thuốc online chuyên thuốc kê toa và tư vấn chuyên sâu về bệnh tiểu đường

Địa chỉ: 313 đường Nguyễn Văn Công, Phường 3, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

Tư vấn bệnh và đặt thuốc: 0916081800

Email: dsquang4.0@gmail.com

Website: www.thuoctieuduong.com

Metamed 2025