Insulin

Tác giả: Trần Bình
Ngày cập nhật: 31 tháng 3 2025
Chia sẻ

Insulin là gì?

Insulin là một loại hormone từ các tế bào đảo tụy ở tuyến tụy tiết ra. Chúng có tác dụng chuyển hóa các chất carbohydrate trong cơ thể. Insulin còn có tác dụng đến việc chuyển hóa các mô mỡ và gan thành loại năng lượng ATP để cung cấp cho hoạt động của cơ thể.

Insulin được tổng hợp ở tế bào Beta trong đảo tụy bằng sự hoạt động của bộ máy tổng hợp protein trong tế bào. Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ Glucose trong máu.

Vai trò của Insulin

Sau khi chúng ta ăn một bữa cơm thì một lượng tinh bột khá lớn sẽ đi vào cơ thể, khi đó chúng sẽ làm tăng sự kích thích đến tế bào beta ở đảo tụy để có thể tiết ra Insulin. Sau đó, Insulin sẽ tác động vào các quá trình giữ và dự trữ glucose trong cơ thể và đặc biệt là gan và mô mỡ.

Khi nồng độ glucose trong máu của bạn cao thì glucose sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen và được dự trữ trong gan và khi bạn đói, lượng glucose trong máu giảm, glycogen sẽ được biến đổi trở lại thành glucose để tiếp tục đi vào máu, đảm bảo lượng đường trong máu.

Vai trò của Insulin:

  • Insulin gây ức chế enzyme phosphorylase, khiến cho quá trình biến đổi glycogen thành glucose trở nên chậm.
  • Insulin tăng cường hấp thu glucose.
  • Insulin làm tăng cường hoạt tính của enzyme để tổng hợp glycogen.

Insulin ảnh hưởng lớn đến lượng đường trong máu. Bệnh đái tháo đường có nguyên nhân từ việc lượng đường trong máu tăng cao. Insulin chính là hormone làm ức chế sự chuyển hóa glycogen thành glucose và đi vào máu, nếu như thiếu hụt Insulin thì glycogen sẽ không ngừng chuyển hóa và đưa một lượng thừa thãi glucose vào máu gây ra đái tháo đường.

Thuốc tiêm Insulin

Thuốc tiêm Insulin

Vai trò insulin trong bệnh tiểu đường

Mục đích của phác đồ điều trị bằng insulin là:

  • Tái cung cấp lượng insulin phù hợp với mức bài tiết insulin sinh lý của cơ thể, đặc biệt là khi cơ thể đang thiếu hụt insulin hoặc gặp vấn đề ở các loại đái tháo đường như đái tháo đường type hoặc đái tháo đường phụ thuộc insulin.
  • Duy trì nồng độ insulin nền ổn định khi không có nạp năng lượng vào cơ thể.
  • Đảm bảo nồng độ insulin đạt đỉnh sau mỗi bữa ăn.
  • Hỗ trợ kiểm soát đường huyết đối với những người bệnh đái tháo đường không thể sử dụng thuốc uống, chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường type 2 mắc các bệnh cấp tính kèm theo.

Tại Việt Nam, có sẵn nhiều loại insulin tiêm với thời gian tác dụng khác nhau như insulin tác dụng ngắn, insulin tác dụng trung bình, insulin tác dụng kéo dài và insulin trộn sẵn - kết hợp các loại insulin theo tỷ lệ nhất định. Việc sử dụng insulin cũng trở nên thuận tiện hơn với người bệnh, bởi ngoài phương pháp tiêm truyền thống, họ còn có thể sử dụng bút tiêm insulin với nhiều ưu điểm như liều lượng chính xác, dễ sử dụng và tiện lợi mang theo người.

Thuốc insulin là gì?

Thuốc insulin tổng hợp là loại insulin được sản xuất nhân tạo để thay thế hoặc bổ sung insulin tự nhiên do tuyến tụy tiết ra. Đây là một phương pháp điều trị quan trọng cho người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 1 và một số trường hợp tiểu đường type 2 không kiểm soát được đường huyết bằng thuốc uống.

Các tác dụng cụ thể của thuốc tiêm insulin gồm:

  • Điều trị bệnh tiểu đường có kèm theo một bệnh cấp tính khác, như nhiễm trùng nặng, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
  • Điều trị cho người bệnh đái tháo đường suy thận nhưng không được dùng thuốc viên hạ glucose máu, người bị tổn thương gan…
  • Phụ nữ mắc tiểu đường nhưng mang thai hoặc bị tiểu đường thai kỳ
  • Người điều trị không hiệu quả bằng các thuốc viên hạ glucose máu hoặc dị ứng với các thuốc này…

Insulin tổng hợp được sản xuất như thế nào?

Insulin tổng hợp được tạo ra bằng công nghệ tái tổ hợp DNA trong phòng thí nghiệm. Vi khuẩn E.coli hoặc nấm men được biến đổi gen để sản xuất insulin có cấu trúc tương tự insulin tự nhiên của con người. Sau đó, insulin này được tinh chế và đóng gói thành các dạng thuốc tiêm.

Các loại insulin tổng hợp phổ biến

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với người bệnh đái tháo đường, thuốc Insulin là một liều thuốc quan trọng trong việc điều trị bệnh tiểu đường. Có 4 loại Insulin chính đó là Insulin tác dụng nhanh, ngắn, Insulin tác dụng trung bình, trung gian, Insulin tác dụng chậm, kéo dài và cuối cùng là Insulin trộn, hỗn hợp.

Insulin người (Human Insulin)

  • Cấu trúc tương tự insulin tự nhiên của con người.
  • Gồm insulin tác dụng ngắn (regular insulin) và insulin tác dụng trung bình (NPH insulin).

Insulin analog (Insulin tương tự)

Được cải tiến để có tốc độ hấp thu nhanh hơn hoặc tác dụng kéo dài hơn so với insulin tự nhiên.

Gồm các nhóm:

  • Insulin tác dụng rất nhanh: Lispro, Aspart, Glulisine.
  • Insulin tác dụng trung bình – kéo dài: NPH.
  • Insulin tác dụng dài: Glargine, Detemir, Degludec.

Những lưu ý khi sử dụng về các loại

  • Insulin tác dụng nhanh và ngắn thường được tiêm trực tiếp dưới da, thuốc sẽ phân ly nhanh chóng thành các monomer và được hấp thu. Sau khoảng 1 giờ thuốc sẽ đạt đỉnh hấp thu. Do tác dụng nhanh của Insulin dạng này nên người bệnh cần rất lưu ý về lượng carbohydrate trong bữa ăn.
  • Insulin tác dụng trung bình, thuốc sẽ có tác dụng kéo dài hơn nhờ sự phối hợp giữa 2 phần Insulin zinc hòa tan với protamine zinc Insulin. Loại thuốc này sau khi được tiêm dưới da sẽ bắt đầu có tác dụng sau 2 – 4 giờ, đạt đỉnh tác dụng sau 6 – 7 giờ và có thời gian kéo dài khoảng 10 – 20 giờ. Loại thuốc này cần tiêm 2 lần mỗi ngày để đảm bảo hiệu quả.
  • Insulin tác dụng chậm và kéo dài thường được dùng vào buổi tối. Loại này cũng có nhiều loại thuốc khác nhau tùy thuộc cho mỗi bệnh nhân.
  • Insulin hỗn hợp là loại Insulin có trộn sẵn 2 loại Insulin tác dụng nhanh và tác dùng dài trong cùng một loại hoặc cùng một mũi tiêm. Chính vì thế thuốc sẽ có 2 đỉnh tác dụng, một là tác dụng của Insulin nhanh đối với lượng carbohydrate trong bữa ăn và tác dụng của Insulin dài để tạo nên nồng độ Insulin nền.

Một số lưu ý quan trọng khác

  • Insulin là loại thuốc làm hạ đường huyết mạnh nhất.
  • Không có giới hạn liều Insulin.
  • Insulin chỉ được tiêm dưới da, thường vị trí tiêm là ở bụng, trên cánh tay và đùi.
  • Insulin thường được dùng phối hợp với thuốc viên.
  • Insulin được sử dụng để truyền tĩnh mạch trong trường hợp cấp cứu hôn mê do nhiễm ceton acid, trong lúc phẫu thuật hay tăng áp lực thẩm thấu máu.
  • Có thể dùng điều trị chỉ bằng Insulin nếu thiếu Insulin nặng.
  • Insulin trộn sẵn có thể dùng tiêm 2 lần mỗi ngày vào thời điểm trước bữa sáng và chiều.
  • Insulin trộn sẵn loại analog có thể được tiêm 3 lần một ngày.
  • Đối với mỗi bệnh nhân có tình trạng bệnh khác nhau thì có thể điều chỉnh liều Insulin mỗi 3 – 4 lần/ngày.
  • Người bệnh không nên tự tiêm insulin mà không có chỉ định cụ thể từ bác sĩ.
  • Liều lượng insulin phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và phác đồ điều trị cụ thể.

Tiêm insulin khi nào?

Insulin là một hormone quan trọng, giúp tế bào sử dụng glucose (đường) như một nguồn năng lượng để duy trì chức năng cơ thể. Insulin hoạt động như một "chìa khóa," mở cánh cửa cho glucose từ máu nhập vào tế bào. Trong trường hợp đái tháo đường type 1, cơ thể không sản xuất insulin. Trong đái tháo đường type 2, tuyến tụy có thể không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả.

Người bệnh cần kiểm soát đường huyết bằng cách cải thiện chế độ ăn, tập thể dục, sử dụng thuốc, hoặc tiêm insulin. Vậy cần tiêm insulin khi nào? Trong điều trị đái tháo đường, người bệnh type 1 cần tiêm insulin suốt đời. Người bệnh type 2 sẽ tiêm insulin khi mang thai, mắc nhiễm trùng, gặp stress, có vết thương cấp, đường huyết tăng với ceton máu cao, hoặc không kiểm soát được mức độ đường huyết.

Phụ nữ mang thai và mắc đái tháo đường type 1 hoặc type 2 vẫn cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết. Đối với thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ, chế độ dinh dưỡng và tập luyện được áp dụng trong 1 - 2 tuần, và nếu không đạt được kết quả mong muốn, bác sĩ sẽ quyết định tiêm insulin.

Insulin có tác dụng nhanh chóng sau 5 - 30 phút sau khi tiêm. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh về số lượng insulin cần tiêm và số lần tiêm mỗi ngày, có thể là 1 hoặc tối đa 4 lần. Có nhiều phương pháp tiêm insulin khác nhau, bao gồm ống tiêm, bút tiêm insulin và máy bơm insulin. Tại Việt Nam, ống tiêm và bút tiêm insulin vẫn là phương pháp phổ biến, được lựa chọn tùy thuộc vào điều kiện và mong muốn của từng bệnh nhân.

Liều dùng Insulin

Liều dùng dạng insulin tác dụng nhanh (insulin glulisine)

Giới hạn tiêm cho phép là từ 0,5-1 IU/kg mỗi ngày.

Liều dùng dạng insulin tác dụng ngắn

Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 1, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Bạn tiêm liều khởi đầu 0,2-0,4 IU/kg mỗi ngày.
  • Bạn tiêm liều duy trì 0,5-1 IU/kg mỗi ngày. Đối với bệnh nhân đề kháng insulin (có thể do béo phì), liều cao hơn bình thường được khuyến cáo.

Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 2, bạn nên tiêm liều khởi đầu 10 IU mỗi ngày (hoặc 0,1-0,2 IU/kg mỗi ngày).

Liều dùng dạng insulin tác dụng trung bình

Nếu bị đái tháo đường tuýp 1, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Giới hạn liều duy trì thông thường từ 0,5-1 IU/kg mỗi ngày.
  • Những người không béo phì thường dùng khoảng liều từ 0,4-0,6 IU/kg mỗi ngày.
  • Người béo phì dùng khoảng liều cao hơn từ 0,8-1,2 IU/kg mỗi ngày.

Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 2, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Liều khởi đầu được khuyến cáo là 0,2 IU/kg mỗi ngày.
  • Buổi sáng bạn tiêm 2/3 tổng liều insulin, tỷ lệ insulin thường và insulin NPH là 1:2.
  • Buổi tối bạn tiêm 1/3 tổng liều insulin, tỷ lệ giữa insulin thường và insulin NPH là 1:1.

Liều dùng dạng insulin tác dụng kéo dài

Nếu bị đái tháo đường tuýp 1, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Bạn dùng liều khởi đầu bằng 1/3 tổng liều insulin, insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn hoặc insulin tiêm trước ăn nên được dùng để đáp ứng yêu cầu còn lại của lượng insulin mỗi ngày.
  • Giới hạn liều duy trì từ 0,5-1 IU/kg mỗi ngày chia thành nhiều liều; người không béo phì thường dùng từ 0,4-0,6 IU/kg mỗi ngày và người béo phì có thể dùng từ 0,6-1.2 IU/kg mỗi ngày.

Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 2, không kiểm soát được bằng các thuốc trị tiểu đường đường uống, bạn dùng liều 10 IU mỗi ngày (tương đương 0,1 -0,2 IU/kg mỗi ngày).

Tương tác thuốc

Một số thuốc có thể làm hạ đường huyết nghiêm trọng khi dùng kèm với insulin và gây các triệu chứng như choáng váng, đói hoặc ra mồ hôi nhiều, bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEi) như lisinopril, quinadril, captopril, enalapril
  • Disopyramide
  • Thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrat
  • Kháng sinh nhóm sulfonamide như sulfadiazine, sulfamethoxazol, sulfasalazin
  • Thuốc chẹn thụ thể beta như metoprolol, bisoprolol, propranolol
  • Thuốc ức chế MAO như isocarboxazid, phenelzin
  • Một số thuốc khác như octreotide, thuốc trị tiểu đường dạng uống, propoxyphene, reserpine.

Tác dụng phụ của Insulin

  • Insulin có các tác dụng phụ điển hình như hạ glucose huyết, gây hiện tượng somogyi, dị ứng Insulin, loạn dưỡng mô mỡ, tăng cân.
  • Trong đó, hạ glucose huyết là tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng Insulin tiêm trực tiếp vào cơ thể. Khi lượng Insulin thừa thì cũng sẽ gây ức chế sự chuyển hóa glycogen khiến lượng glucose trong máu bị giảm mạnh.
  • Hiện tượng somogyi là hiện tượng quá liều Insulin, dẫn đến việc hạ glucose huyết và làm phóng thích ra quá nhiều hormone điều hòa ngược làm gây ra hiện tượng tăng glucose huyết phản ứng.

Các tác dụng phụ khác như dị ứng Insulin khá hiếm gặp trong thời điểm hiện tại.

Các thắc mắc khác cho người dùng insulin

Tiêm insulin có gây đau không?

  • Trước đây, bệnh nhân đái tháo đường thường phải sử dụng kim tiêm, có thể gây ra cảm giác đau nhẹ. Tuy nhiên, hiện nay, insulin thường được đóng gói và sản xuất dưới dạng bút và kim tiêm nhỏ. Do đó, người bệnh thường không có cảm giác đau hoặc chỉ cảm thấy đau nhẹ.

Vị trí tiêm có ảnh hưởng tới tác dụng insulin không?

Thường thì, insulin sẽ được tiêm vào vùng bụng, cánh tay, thắt lưng hoặc đùi của người bệnh. Đối với mỗi vị trí tiêm, sự hấp thụ insulin của cơ thể có thể bị ảnh hưởng. Cụ thể như sau:

  • Tiêm insulin vào bụng giúp insulin được hấp thụ vào máu nhanh chóng nhất.
  • Tiêm insulin vào đùi hoặc thắt lưng là vị trí khiến insulin hấp thụ vào máu chậm nhất.
Đánh giá bài viết
Bình luận của bạn
Đánh giá của bạn:
*
*
*
 Captcha

Số lần xem: 4

Nhà thuốc online chuyên thuốc kê toa và tư vấn chuyên sâu về bệnh tiểu đường

Địa chỉ: 313 đường Nguyễn Văn Công, Phường 3, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

Tư vấn bệnh và đặt thuốc: 0916081800

Email: dsquang4.0@gmail.com

Website: www.thuoctieuduong.com

Metamed 2025